Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin tức. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin tức. Hiển thị tất cả bài đăng

10/12/2013

9x "nghiện" ca trù

Nguyễn Huệ Phương, 9 tuổi là thành viên nhỏ nhất trong câu lạc bộ ca trù Thăng Long. Người đưa em đến với lối hát ả đào không ai khác chính là mẹ, chị Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Sáu tuổi, Huệ Phương bắt chước mẹ ngâm nga hát những điệu ca trù lạ lạ. Thấy con có năng khiếu, chị Huệ lên kế hoạch dạy con bài bản hơn. Không ngờ, lúc vào học, phải ngồi quá lâu, bé Phương giãy nảy, không chịu. Em chỉ thích hát theo mẹ, vừa làm việc vừa ca cho vui.
Trong một lần cùng mẹ thắp hương, nghe mẹ khấn gì, Huệ Phương nói lại y chang. Khi mẹ nói: "Cầu cho bé Huệ Phương hát ca trù thật giỏi", cô bé mỉm cười và nói đúng ý mẹ. Từ đó, em có ý thức hơn trong chuyện học. Dù lúc đầu còn ngây ngô song em được các cụ khen nhịp phách vững.
Sau ba năm được mẹ rèn luyện, uốn nắn từng chi tiết, Huệ Phương dần làm quen với những cái khó của ca trù. Đến nay, em đã hát được 10 trong số hơn 20 làn điệu còn sót lại của lối hát cửa đình, đồng thời có thể cầm phách, cầm chầu và đánh đàn đáy.



Cứ thế, khi nào mẹ biểu diễn thì con cũng lên sân khấu. Thậm chí, trong một số chương trình, Huệ Phương được khán giả yêu cầu hát nhiều hơn mẹ bởi em là ca nương nhỏ tuổi nhất trong số các nghệ sĩ biểu diễn ca trù hiện nay. "Dù chưa hiểu hết cái khó của lối hát ả đào song Huệ Phương ý thức rất rõ mình hát để giữ gìn môn nghệ thuật truyền thống và luôn chia sẻ niềm đam mê với bạn bè", chị Phạm Thị Huệ tiết lộ về cô con gái cưng.
Cũng là con nhà nòi, cháu của danh ca Nguyễn Thị Chúc, Đặng Thị Hường chính thức ngỏ lời với bà muốn xin học hát ca trù từ năm học lớp 6. "Nghe bà ca nhiều, sau đó trên đài, ti vi cũng phát sóng chương trình hát ả đào, em thấy thích nên muốn theo học", Hường tiết lộ lý do theo đuổi nghệ thuật này.
Hường kể, lúc đầu bà Chúc chưa em cho học hát ngay mà yêu cầu học cầm phách, đàn, vững rồi mới tập ca. Được học từng bước, từ dễ đến khó nên Hường thấy hát ca trù không khó như sự tưởng tượng của mình lúc đầu.
Sau gần hai năm theo học, Hường được bà Chúc cho đi theo mỗi lần nhận được lời mời diễn. Hường nhớ, lần đầu em được bà cho thử ngồi trên chiếu ca trù là hôm biểu diễn tại Hợp tác xã An Khánh ở Hà Tây. Lúc ấy, người xem rất đông, Hường chọn hát bài Đào hồng đào tuyết mà trong lòng rất run sợ. Em không dám nhìn xuống đám đông, chỉ tập trung, cố hát cho thật hay. "Nếu nhìn xung quanh, phần trình bày của em sẽ bị loãng", Hường kể. Lần biểu diễn đó thành công, cô bé Hường khiến khán giả ngạc nhiên và dành tặng nhiều lời khen ngợi.
Thấm thoát, đã ba năm Hường theo học ca trù. Hiện em là học sinh lớp 9, chuẩn bị tốt nghiệp cấp II. Nhưng cô bé thừa nhận, việc hát và biểu diễn cùng bà Chúc không hề ảnh hưởng đến việc học hành.
Hường cho biết, cùng theo học cụ Chúc với em còn hai bạn Nguyễn Nhung và Lan Anh đều là học sinh lớp 7. Ba chị em luôn tự nhủ, phải thi nhau học, hát được càng nhiều làn điệu càng tốt.
"Em thích tất cả các làn điệu của ca trù, cả việc cầm phách, cầm chầu, chơi đàn. Em mơ ước trở thành ca sĩ, đặc biệt, thành ca nương giỏi", Hường bộc bạch.
Ca nương Thuỳ Chi, 16 tuổi, hiện là học sinh trung cấp khoa nhạc cụ dân tộc Học viện âm nhạc quốc gia đến với chiếu ca trù một cách tình cờ. Lần đầu, nghe chị gái hát, Chi thấy thích thú bởi giai điệu lạ nên hát theo. Khi quyết định thử giọng với bài Đào hồng đào tuyết, Chi thấy hát ả đào thật khó nên không dám nghĩ mình có thể theo học lâu dài.

Không ngờ, giọng ca của Chi được các ca nương, đào đàn đi trước khen ngợi và hết lòng ủng hộ. Từ đấy, cô bé tự tin hơn mỗi khi ngồi học cầm phách, luyến láy theo các làn điệu của bộ môn bác học này. Niềm đam mê ca trù ngày càng mạnh mẽ trong cô nhạc công trẻ. Thuỳ Chi tâm sự: "Ca trù mang vẻ đẹp tinh tế, lúc bổng, lúc trầm, lời thơ sâu lắng nhẹ nhàng. Học hát, tôi hiểu thêm về lịch sử cũng như thơ văn Việt Nam".
Hầu hết, các thành viên nhí tham gia sinh hoạt ca trù đều là nữ, hiếm lắm mới gặp một gương mặt nam. Hoàng Đức Huy, học sinh lớp 9 trường Trung học cơ sở Liên Hà, Đông Anh là ví dụ. Huy kể: "Trong câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê, chỉ mình em là con trai. Các chị ca nương đều lớn tuổi hơn, vì thế khi hầu đàn không thấy ngại".
Đức Huy nhiễm máu ca trù từ ông bà ngoại là nghệ nhân Nguyễn Văn Hân và Phạm Thị Điền. Khi nghe ông đàn cho bà hát, em thấy kiểu nghệ thuật này lạ và hấp dẫn quá nên "bám" theo để học. Là kép đàn nhỏ tuổi nhất trong câu lạc bộ song thi thoảng Đức Huy vẫn học hát, dù em tự nhận giọng mình chỉ bình thường thôi.
Sau thời gian ngắn rèn luyện, Huy chơi đàn và ca bài Đất nước thái bình trong lần biểu diễn văn nghệ tại trường khiến bạn bè và thầy cô ngạc nhiên. Biểu diễn xong, mọi người đều động viên Huy cố gắng theo đuổi môn này. Đây cũng là lần đầu tiên, em "khoe tài" trước mọi người. Say này, mỗi lần có dịp biểu diễn, các cô chú trong câu lạc bộ đều kéo Huy đi cùng để em có cơ hội nâng cao tay đàn.
"Mới học nên em chỉ có thể chơi 6, 7 điệu của ca trù thôi, cũng chưa thể sánh được với các nghệ nhân. Em phải cố gắng nhiều hơn nữa vì nghệ thuật này rất phong phú", Huy tâm sự. Dù trước mắt, việc học vẫn là trên hết song chàng học sinh lớp 9 khẳng định, tương lai em sẽ theo nghề của ông bà ngoại.

Hà Lan (Theo báo Đất Việt)

9/23/2013

Ca trù du ngoại ký

TP - Ca nương Phạm Thị Huệ vừa có chuyến đi giới thiệu ca trù cho học sinh ở thành phố Cleveland (bang Ohio, Mỹ) kéo dài 3 tháng. Thời gian rảnh, chị còn lập nhóm chơi nhạc world-music. Huệ đang ở Đài Loan để dạy nhạc truyền thống Việt Nam.

Ca nương Phạm Thị Huệ (người mặc áo dài) mang văn hóa Việt Nam và ca trù đến với các trường học ở Cleveland- Mỹ.
            Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Ca nương Phạm Thị Huệ (người mặc áo dài) mang văn hóa Việt Nam và ca trù đến với các trường học ở Cleveland- Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lúc mới đến Cleveland, văn hóa hợp chủng quốc khiến Huệ choáng ngợp. Nhưng sự ngạc nhiên và quan tâm của khán giả Mỹ dành cho ca trù làm chị tự tin hẳn. Thoạt đầu chị cứ nghĩ sẽ dành 3 tháng để dạy ca trù ở một trường nhưng sang đến nơi mới biết 12 trường tiểu học và trung học đang đợi.
Hát ca trù, chơi bóng chày
Mở đầu mỗi buổi, chị giới thiệu vài nét về địa lý, văn hóa... Việt Nam, chẳng hạn lịch sử nghìn năm giữ nước, về chữ Nôm, tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, nhà thờ đá Phát Diệm... Sau đó chị nói về ca trù và diễn. Tất cả gói trong một tiết học.
“Cũng là lớp 4 nhưng ở những trường chất lượng cao, học sinh tích cực đặt câu hỏi rồi ngồi xem chăm chú như cụ non. Nghe nhạc mình hỏi có lạ không, bảo không có gì lạ, cảm nhận được ngay. Tức là các em rất cởi mở với các loại hình văn hóa khác nhau như một người lớn hiểu biết. Ở những trường của học sinh da màu, các em thụ động hơn một chút...”. Nhưng cũng có nơi chị được trẻ da đen đón nhận nồng nhiệt, các bé không chỉ hỏi han mà còn xông lên thử đàn, xem tóc tai “cô giáo” ra làm sao.
Với học sinh trung học, Huệ dành nhiều thời gian hơn. Tầm tuổi này, các em hầu như đều chơi một nhạc cụ hoặc theo một môn nghệ thuật nào đấy. Các em mang sáo, trống hay violon đến hòa tấu cùng đàn đáy, qua đó Huệ dạy các em cách cảm nhận và chơi với âm thanh. Cũng có khi chị chơi với các em chuyên hip-hop.
Trên nền đàn đáy, có em nhún nhảy đọc rap, đại ý: “Sau giờ học ở trường chúng tôi đi sinh hoạt nghệ thuật. Hôm nay có một nghệ nhân ca trù đến, chúng tôi rất thích thú...”. Cô trò, khách chủ được dịp vui cười hả hê.
Mai mối Huệ với Young Audiences là nghệ sĩ Jen Shyu người gốc Indonesia từng sang Việt Nam học ca trù. Sau đó đại diện của tổ chức này sang Việt Nam dự các buổi diễn của Huệ và yêu cầu chị thử làm một buổi nói chuyện về ca trù tại một trường quốc tế ở Hà Nội, quay video lại và gửi sang Mỹ để xét duyệt. Huệ trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia dự án này, tiếp theo là một họa sĩ ở TPHCM.
Ở Cleveland có khu chỉ dành cho người da đen. Ở đó có những trường học sinh vào cổng phải qua máy soi để xem có mang hung khí trong người.
“Khu da đen nghèo, nhiều tệ nạn. Luật là dưới 18 tuổi phải đến trường. Bố mẹ không cho con đến trường có thể bị phạt, nhưng nhiều em vẫn không đi học”- chị Huệ kể.
Ca nương Phạm Thị Huệ có dịp tiếp cận cuộc sống trong những khu da đen nhờ ông Ken- người tình nguyện bổ túc tiếng Anh cho chị. Ông Ken dạy bóng chày cho trẻ lang thang hoặc mồ côi, qua đó mong các em nhận thức tích cực về cuộc sống, không sa vào nghiện hút. Huệ theo chân ông đến những con phố chết- địa bàn của các băng nhóm và người vô gia cư.
Trên ô tô cùng Ken ra sân bóng, chị có dịp trò chuyện với hai cậu bé tầm tuổi 13-14. Một cậu kể đã nhìn thấy cảnh giết người trên phố và kinh nghiệm của cậu là phải cẩn thận khi định kết bạn ngoài đường vì “nếu bắt tay với kẻ xấu mà hôm sau mình không nhập hội nó có thể khử mình luôn”.
Cậu bé này cũng nhận thức được rằng nếu không đọc sách thì sẽ không biết suy nghĩ, không suy nghĩ thì sẽ không hiểu được cuộc sống xung quanh. Trong khi cậu bạn đi cùng lầm bầm: “Đọc sách chỉ tổ nhức đầu”.
Ra sân bóng, Huệ được giúi vào tay cây gậy dành cho trẻ em. học sinh của Ken ném bóng cho Huệ đánh. Hình như chúng cố tình ném dễ để quả nào Huệ cũng đỡ được. Đến khi thầy Ken ra sân, phát nào cũng trượt. Ken than thở: “Đời tôi chưa bao giờ bị như này!”. Bọn học sinh thì khoái trá la ó đề nghị để Huệ thay Ken làm huấn luyện viên.
Tổ chức mời Huệ sang Cleveland tên là Young Audiences (tạm dịch là Công Chúng Trẻ). Hằng năm quỹ này mời 12 nghệ sĩ nổi bật thuộc nhiều lĩnh vực từ sân khấu tới hội họa khắp thế giới đến để giới thiệu về nghệ thuật của dân tộc mình cho học sinh Cleveland. Dù không được trả lương, nhưng các nghệ sĩ được chu cấp đầy đủ để sống và làm việc, được mang cả gia đình sang ở cùng.
Gặp Mẫu Thoải kiểu Mỹ
Ngoài việc đi “khoe” ca trù với giới trẻ Mỹ, Huệ còn lập nhóm nhạc tên là Merging Clouds (tạm dịch là Hợp Vân). Chị được giới thiệu với một nghệ sĩ guitar gốc Brazil, một người chơi tabla (loại trống của Ấn Độ). Trong một buổi diễn, bà Linda- một nghệ nhân hát và chơi trống châu Phi- lên ngẫu hứng, trở thành thành viên thứ tư. Hằng tuần họ tập với nhau. “Mỗi lần tập lại ra một tác phẩm mới. Mọi người đều ngạc nhiên”, Huệ kể.
Cô giáo Phạm Thị Huệ trong những giờ lên lớp
Cô giáo Phạm Thị Huệ trong những giờ lên lớp.
Các tác phẩm hình thành trên tinh thần ngẫu hứng. Chẳng hạn có khi Huệ đang tìm cách giới thiệu nhạc cụ với các bạn, chị “phịa” ra một điệu sáo nửa Tây nửa ta, trong khi anh Brazil nghịch đàn guitar. Một lúc sau Linda tự ngâm nga theo kiểu của mình. Vậy là thành tác phẩm Children of the light (tạm dịch: Những đứa con của ánh sáng).
Cũng có khi họ cùng chơi theo kiểu jazz, Huệ ngẫu hứng trên 3 nốt của ca trù trong khi những thành viên còn lại cũng chẳng biết đó là ca trù. Cũng có khi chị đưa vào chất liệu Tây Nguyên vì nghe ra cùng âm hưởng với thứ đàn 1 dây của Brazil. “Những lúc ấy thấy âm nhạc không còn biên giới”- Huệ nói - “Nó không xa gì nhau lắm giữa châu Phi, Ấn Độ và Việt Nam”.
Huệ và Linda rất hợp nhau. “Nói chuyện về tôn giáo, nhân sinh quan, tư duy âm nhạc- tất tần tật thấy như trưởng thành cùng đất nước, cùng gia đình”, Huệ kể. Nhiều học trò môn trống của Linda nay đã thành nghề.
Ở tuổi ngoài 60, bà biểu diễn chỉ để cho vui. Đặc biệt nhà bà cũng có điện thờ những “Mother of water”, “Mother of land”... chẳng khác nào Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn của ta. Bà cũng có những điệu hát để dâng cúng lên các vị thần linh, tổ tiên. Huệ còn tò mò về tài tiên tri của Linda nhưng do quá bận nên chưa kịp thử.
Cũng ở bang Ohio, một người chơi nhạc Việt Nam dù chưa từng đến Việt Nam tên là David đến gặp Huệ. David học nhạc từ thầy Nguyễn Thuyết Phong. Anh thổi một loại khèn mà theo Huệ đã biến mất ở Việt Nam. Họ cho khèn và đàn đáy hòa tấu cùng nhau.
David chính là người khuyến khích Merging Clouds biểu diễn trước công chúng, giới thiệu Phạm Thị Huệ với đài báo. Một dự án tìm quỹ cho nhóm nhạc thu âm và biểu diễn đang được tiến hành. Vì thế khả năng sớm quay lại Cleveland của Huệ là khá cao. 

Sau Mỹ đến Trung Quốc?

Vừa từ Mỹ trở về, Phạm Thị Huệ lại tất bật chuẩn bị cho chuyến đi Đài Loan 3 tuần. Duyên đưa Huệ sang xứ Đài là cây đàn tỳ bà. Người Đài Loan tìm đến chị qua một clip chị chơi tỳ bà theo kiểu cổ trên mạng.
Ở Trung Quốc và Đài Loan, kiểu chơi đó đã thất truyền. Khoảng đầu thế kỷ XX, Trung Quốc thay đổi hệ thống phím tỳ bà- gọi là pipa- cho giống với guitar để cây đàn dễ hòa nhập với dàn nhạc giao hưởng.
Đàn tỳ bà gốc từ Ba Tư nhưng du nhập vào Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản qua đường Trung Quốc. Người Nhật gọi là biwa và giữ nguyên trạng cho tới ngày nay. Người Đài Loan đã sang Nhật học lại vốn cổ và giờ đến Việt Nam.
Từ lâu Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia ngày nay) đã gắn lại phím tỳ bà cho gần với phương Tây, các kỹ thuật diễn tấu cũng thay đổi. Phạm Thị Huệ may mắn gặp nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Anh đã gắn lại phím cho đàn và khuyến khích Huệ học các nghệ nhân để chơi theo lối cổ.
“Chính thời điểm đấy tôi nghĩ sẽ sang Trung Quốc dạy lại cây đàn cổ mà họ đã đánh mất”, Huệ nhớ lại. Và 20 năm sau, ý tưởng của chị đã được thực thi ở Đài Loan.
Đáng chú ý là Dàn nhạc Cung đình Huế hiện đang dùng phải cây đàn tỳ bà cải biên, theo Huệ, đơn giản vì các nghệ nhân cứ tin tưởng nguồn đàn tỳ bà nhập từ Bắc. Trong khi những cây đàn này đều được làm theo model cải biên của Nhạc viện.
“Các lớp nghệ nhân đều đã ra đi, thế hệ tiếp nối lại chưa chú ý đến tiểu tiết để phân biệt”, Huệ cảnh báo. Đàn tỳ bà “xịn” hiện vẫn được sản xuất ở Sài Gòn, dù tỳ bà từ lâu đã bị đẩy khỏi dàn nhạc tài tử cải lương bởi guitar phím lõm.
Giữa năm ngoái, GS Wang từ Đài Loan dắt một sinh viên sang cho cô Huệ dạy tỳ bà. Còn ông học đàn đáy. Từ Việt Nam về, ông mang theo 10 cây đàn bầu, 10 đàn tỳ bà, 7 đàn nguyệt, và một cơ số đàn tranh. Chính là để chuẩn bị cho lớp học cổ nhạc Việt tại ĐH Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan vào tháng Bảy này. Huệ sẽ dạy hòa tấu nhã nhạc, chèo, ca Huế, cải lương... cho 27 học viên, và chuẩn bị cho cuộc trình diễn nhạc Việt của các nghệ sĩ xứ Đài sẽ diễn ra vào cuối tháng.
Nguyễn Mạnh Hà
Theo: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/phong-su/636645/ca-tru-du-ngoai-ky-tpp.html


 
               

Ca nương Phạm Thị Huệ: Buồn khi dần vắng bóng các nghệ nhân

(Petrotimes)- Nghệ thuật truyền thống đang vắng bóng dáng dần các nghệ nhân “gạo cội”. Nói về vấn đề này ca nương Phạm Thị Huệ cho rằng: Chúng ta chưa biết thưởng thức, quí trọng những giá trị tinh thần trân quý ấy.

Nhiều người Việt chưa được biết đến ca trù
- Được biết CLB ca trù Thăng Long đang nỗ lực tự đem ca trù đến với khán giả bằng việc biểu diễn hàng tuần ở 87 Mã Mây. Tình hình thực tiễn có khả quan không, thưa chị?
- Hiện Giáo phường ca trù Thăng Long đang biểu diễn 3 buổi (thứ 3,5,7) hàng tuần ở nhà cổ 87 Mã Mây, thực trạng tôi thấy cũng rất khả quan. Chúng tôi được đến với khán giả một cách thiết thực nhất, cũng là để khán giả được thưởng thức bộ môn nghệ thuật này, cảm nhận và hiểu về nó. Tuy nhiên, cũng hơi chạnh lòng vì hiện tại ca trù thu hút khách du lịch nước ngoài là chủ yếu, người Việt rất ít, có thể họ chưa biết thông tin để tới nghe.
Ca nương Phạm Thị Huệ.
- Đó là một thực tế đáng buồn khi rõ ràng đây là một bộ môn nghệ thuật dân gian nhưng người Việt lại ít có thông tin về những hoạt động đang tồn tại này, thậm chí là không hay biết gì vca trù?
- Điều này cũng không thể trách công chúng hoàn toàn. Bởi một phần cũng do truyền thông chưa có một hệ thống quảng bá chuyên biệt, hơn nữa việc phổ biến kiến thức về nghệ thuật truyền thống theo tôi còn yếu. Nghệ nhân làm nghề thì không có điều kiện đến gần với khán giả của mình nên công chúng không được biết đến nhiều cũng là điều dễ hiểu.
Việc mở cửa phục vụ khán giả thường nhật ở Mã Mây là hành động thiết thực nhất mà chúng tôi có thể làm. Cái khó là chúng tôi không có kinh phí để đẩy thông tin tới người Việt. Là người làm nghề tôi thấy chạnh lòng bởi quảng bá chủ yếu bằng hình thức thủ công. Những du khách quốc tế họ đến Việt Nam, luôn tìm những gì thuộc về văn hóa đặc trưng bản địa để thưởng thức còn người Việt dường như không có điều này. Việc tiếp cận với ca trù qua những kênh thông tin nhanh nhạy là không có. Thế nên, hơn bao giờ hết tôi mong nhà nước sẽ sớm có một kênh phát sóng dành riêng cho nghệ thuật truyền thống. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cần đẩy nhanh thông tin, quảng bá rộng rãi để khán giả trong nước và quốc tế đều biết tới những món ăn tinh thần, đặc sản của người Việt.
Làm được việc này là điều rất tốt, bởi một mặt vừa góp phần tuyên truyền để người dân biết trân trọng giá trị văn hóa, vừa quảng bá hình ảnh về những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Phạm Thị Huệ biểu diễn cùng hai nghệ nhân "gạo cuội" Nguyễn Phú Đẹ- Nguyễn Thị Chúc
- Vậy, với những người "lờ mờ" về ca trù, chị muốn nói với họ điều gì?
- Ca trù là bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo và thuần chất Việt. Ca trù đem đến một không gian âm nhạc tinh túy, đặc trưng của nền nhạc dân tộc. Nghe ca trù người ta cảm nhận được những triết lý sâu xa, những nhận thức ẩn sâu trong tâm khảm của mình. Sức cuốn hút của ca trù là bởi, chỉ cần hai người biểu diễn thì vẫn có thể thu hút khán giả thâu đêm, suốt sáng. Ca nương đóng vai trò quan trọng trong việc luyến láy ca từ, và càng phải thành thạo nhịp phách, họ như thể một người chỉ huy dàn nhạc vậy. Thông qua âm nhạc người ca nương đưa thính giả hướng tâm hồn mình tới cái đẹp, sự tinh tế, tĩnh tại và nhịp sống chậm lại, giải tỏa những bộn bề của cuộc sống xã hội. Đặc biệt, ca trù còn sở hữu một khí cụ độc đáo là cây đàn đáy (cần đàn dài nhất thế giới- PV). Chiếc cần đàn dài tạo nên những âm thanh kỳ bí, mà chỉ riêng có ở đàn đáy Việt Nam. Tưởng chừng chỉ có vậy thôi nhưng khi biểu diễn thì hòa quyện, cuốn hút, sâu lắng lạ kỳ.
Tôi tin rằng, mỗi chúng ta đều có sẵn tình yêu dành cho âm nhạc truyền thống, khi được tiếp cận sẽ khơi gợi những cảm xúc về tình yêu âm nhạc trong mỗi người.
- Ca trù vẫn đang khó khăn chồng chất khó khăn bởi những bộn bề vẫn còn đó?
- Cái khó ở đây là ca trù chưa có một ngôi nhà chung để các nghệ nhân có nơi biểu diễn và truyền dạy nghề. Hiện tại, chúng tôi vẫn hoạt động trên tâm thế tự phát, chứ chưa có một đơn vị nhà nước nào đứng ra bảo trợ cho ca trù.
Mặt khác, các nghệ nhân của ca trù đa phần tuổi đã cao, sức đã yếu nên việc truyền dạy cũng gặp nhiều khó khăn. Mà để phát lộ trong giới trẻ những tài năng ca trù cũng không phải chuyện dễ. Điều tôi thấy buồn là bởi không chỉ riêng ca trù mà các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác cũng đang gặp phải cảnh nghệ nhân “gạo cuội” cứ vắng bóng dần dần. Dường như chúng ta đang lãng phí và chưa biết trân trọng đúng những giá trị trân quý ấy.
Thứ nữa là hiện tại, nở rộ rất nhiều kênh truyền hình phát sóng nhưng cho âm nhạc truyền thống nói chung và ca trù nói riêng thì chưa có. 
Đưa ca trù vào đám cưới, tại sao không?
- Mới thành lập được ít năm nhưng những nỗ lực Giáo phường Ca trù Thăng Long rất đáng ghi nhận, thưa chị?
- Giáo phường Ca trù Thăng Long được thành lập từ năm 2006, đến nay đã thu hút được rất nhiều người đam mê ca trù. Hiện nay, Giáo phường của chúng tôi đã quy tụ được 15 ca nương, kép đàn. Tất cả các em đều còn rất trẻ và phần nào thấy được tình yêu nghề. Chúng tôi đã phục dựng lại lối “Hát thờ cửa đình” với đầy đủ các thể thức như tấu nhạc và các làn điệu múa hát cổ cửa đình. Và đưa lối hát này vào thực tiễn ở các hội đình làng. Những canh hát hàng tuần tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, chúng tôi giới thiệu hình thức hát chơi, đây là lối hát xưa kia chỉ dành phục vụ giới vua quan.
- Chị nghĩ sao với ý tưởng đưa ca trù vào đám cưới?
- Ca trù trong đám cưới xưa kia cũng dành cho các gia đình danh giá. Tôi cảm thấy rất tự hào khi người Việt hiểu và trân trọng những giá trị món ăn tinh thần này. Trong ngày đại hỷ chúng ta thưởng thức và được dẫn dắt bởi những câu hát tinh tế được cha ông sáng tạo và lưu truyền. Điều này vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính tâm linh giúp chúng ta xây dựng một gia đình với ý thức tự hào, đậm hồn dân tộc. Chúng ta đang tiếp tục dạy cho con cái chúng ta biết trân trọng và hãnh diện về những giá trị văn hóa truyền thống.
Những gương mặt trẻ của giáo phường Ca trù Thăng Long
- Nhưng có khó khăn không khi để hiểu ca trù cũng không phải việc dễ, cần có một kiến thức nhất định?
- Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thưởng thức được nhạc nước ngoài thì tất nhiên sẽ thưởng thức được âm nhạc của dân tộc mình. Nếu từ nhỏ chúng ta luôn được nghe âm nhạc truyền thống thì đó chính là những kiến thức về âm nhạc đã được giáo dục một cách vô thức.
Bất cứ một bộ môn nghệ thuật nào qua thời gian suy thoái cũng cần có một giai đoạn để phục hồi. Cũng giống như một cơ thể bị ốm thì phải có thời gian dưỡng bệnh. Cần có sự đồng thuận và cộng hưởng từ nhiều phía. Từ khán giả, báo chí và truyền thông, sự hỗ trợ từ các ban ngành ...Vì thế nên dù đã trải qua những giai đoạn đầy khó khăn, tôi vẫn tin vào một tương lại sáng lạn hơn, không thể nhìn bằng con mắt bi quan.
- Chị có kỳ vọng gì tương lai của ca trù vào thế hệ trẻ, những người đang yêu và góp phần vào công cuộc gìn giữ nghệ thuật truyền thống này?
- Nếu bạn hỏi tôi câu này vài năm trước tôi không trả lời được, sẽ chỉ có những giọt nước mắt lăn dài bởi phía trước là một màn sương mà thôi. Nhưng hôm nay thì khác. Tôi đã có những trải nghiệm để tin rằng, ca trù sẽ ngày một khởi sắc hơn.
Hiện tại, chúng tôi cũng quy tụ được những gương mặt trẻ, có triển vọng và yêu nghề. Tôi kỳ vọng chính họ là những người giữ lửa để lại truyền cho thế hệ sau... Khó khăn chỉ là thách thức để đi đến thành công và không có thành công nào không có khó khăn. Tôi tin rằng họ sẽ luôn tìm được con đường đi cho mình. Dù hàng ngày họ vẫn phải đấu tranh với chính bản thân và phải thuyết phục người thân của mình để tiếp tục đi theo con đường nghệ thuật chân chính. Nhưng đó là quá trình lao động, quá trình vượt qua thử thách và tôi luôn tin họ sẽ thành công vào ngày mai.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Huy An (Thực hiện)
Theo: http://petrotimes.vn/news/vn/van-hoa-giai-tri-the-thao/van-de-van-hoa/ca-nuong-pham-thi-hue-buon-khi-dan-vang-bong-cac-nghe-nhan.html