10/12/2013

9x "nghiện" ca trù

Nguyễn Huệ Phương, 9 tuổi là thành viên nhỏ nhất trong câu lạc bộ ca trù Thăng Long. Người đưa em đến với lối hát ả đào không ai khác chính là mẹ, chị Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Sáu tuổi, Huệ Phương bắt chước mẹ ngâm nga hát những điệu ca trù lạ lạ. Thấy con có năng khiếu, chị Huệ lên kế hoạch dạy con bài bản hơn. Không ngờ, lúc vào học, phải ngồi quá lâu, bé Phương giãy nảy, không chịu. Em chỉ thích hát theo mẹ, vừa làm việc vừa ca cho vui.
Trong một lần cùng mẹ thắp hương, nghe mẹ khấn gì, Huệ Phương nói lại y chang. Khi mẹ nói: "Cầu cho bé Huệ Phương hát ca trù thật giỏi", cô bé mỉm cười và nói đúng ý mẹ. Từ đó, em có ý thức hơn trong chuyện học. Dù lúc đầu còn ngây ngô song em được các cụ khen nhịp phách vững.
Sau ba năm được mẹ rèn luyện, uốn nắn từng chi tiết, Huệ Phương dần làm quen với những cái khó của ca trù. Đến nay, em đã hát được 10 trong số hơn 20 làn điệu còn sót lại của lối hát cửa đình, đồng thời có thể cầm phách, cầm chầu và đánh đàn đáy.



Cứ thế, khi nào mẹ biểu diễn thì con cũng lên sân khấu. Thậm chí, trong một số chương trình, Huệ Phương được khán giả yêu cầu hát nhiều hơn mẹ bởi em là ca nương nhỏ tuổi nhất trong số các nghệ sĩ biểu diễn ca trù hiện nay. "Dù chưa hiểu hết cái khó của lối hát ả đào song Huệ Phương ý thức rất rõ mình hát để giữ gìn môn nghệ thuật truyền thống và luôn chia sẻ niềm đam mê với bạn bè", chị Phạm Thị Huệ tiết lộ về cô con gái cưng.
Cũng là con nhà nòi, cháu của danh ca Nguyễn Thị Chúc, Đặng Thị Hường chính thức ngỏ lời với bà muốn xin học hát ca trù từ năm học lớp 6. "Nghe bà ca nhiều, sau đó trên đài, ti vi cũng phát sóng chương trình hát ả đào, em thấy thích nên muốn theo học", Hường tiết lộ lý do theo đuổi nghệ thuật này.
Hường kể, lúc đầu bà Chúc chưa em cho học hát ngay mà yêu cầu học cầm phách, đàn, vững rồi mới tập ca. Được học từng bước, từ dễ đến khó nên Hường thấy hát ca trù không khó như sự tưởng tượng của mình lúc đầu.
Sau gần hai năm theo học, Hường được bà Chúc cho đi theo mỗi lần nhận được lời mời diễn. Hường nhớ, lần đầu em được bà cho thử ngồi trên chiếu ca trù là hôm biểu diễn tại Hợp tác xã An Khánh ở Hà Tây. Lúc ấy, người xem rất đông, Hường chọn hát bài Đào hồng đào tuyết mà trong lòng rất run sợ. Em không dám nhìn xuống đám đông, chỉ tập trung, cố hát cho thật hay. "Nếu nhìn xung quanh, phần trình bày của em sẽ bị loãng", Hường kể. Lần biểu diễn đó thành công, cô bé Hường khiến khán giả ngạc nhiên và dành tặng nhiều lời khen ngợi.
Thấm thoát, đã ba năm Hường theo học ca trù. Hiện em là học sinh lớp 9, chuẩn bị tốt nghiệp cấp II. Nhưng cô bé thừa nhận, việc hát và biểu diễn cùng bà Chúc không hề ảnh hưởng đến việc học hành.
Hường cho biết, cùng theo học cụ Chúc với em còn hai bạn Nguyễn Nhung và Lan Anh đều là học sinh lớp 7. Ba chị em luôn tự nhủ, phải thi nhau học, hát được càng nhiều làn điệu càng tốt.
"Em thích tất cả các làn điệu của ca trù, cả việc cầm phách, cầm chầu, chơi đàn. Em mơ ước trở thành ca sĩ, đặc biệt, thành ca nương giỏi", Hường bộc bạch.
Ca nương Thuỳ Chi, 16 tuổi, hiện là học sinh trung cấp khoa nhạc cụ dân tộc Học viện âm nhạc quốc gia đến với chiếu ca trù một cách tình cờ. Lần đầu, nghe chị gái hát, Chi thấy thích thú bởi giai điệu lạ nên hát theo. Khi quyết định thử giọng với bài Đào hồng đào tuyết, Chi thấy hát ả đào thật khó nên không dám nghĩ mình có thể theo học lâu dài.

Không ngờ, giọng ca của Chi được các ca nương, đào đàn đi trước khen ngợi và hết lòng ủng hộ. Từ đấy, cô bé tự tin hơn mỗi khi ngồi học cầm phách, luyến láy theo các làn điệu của bộ môn bác học này. Niềm đam mê ca trù ngày càng mạnh mẽ trong cô nhạc công trẻ. Thuỳ Chi tâm sự: "Ca trù mang vẻ đẹp tinh tế, lúc bổng, lúc trầm, lời thơ sâu lắng nhẹ nhàng. Học hát, tôi hiểu thêm về lịch sử cũng như thơ văn Việt Nam".
Hầu hết, các thành viên nhí tham gia sinh hoạt ca trù đều là nữ, hiếm lắm mới gặp một gương mặt nam. Hoàng Đức Huy, học sinh lớp 9 trường Trung học cơ sở Liên Hà, Đông Anh là ví dụ. Huy kể: "Trong câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê, chỉ mình em là con trai. Các chị ca nương đều lớn tuổi hơn, vì thế khi hầu đàn không thấy ngại".
Đức Huy nhiễm máu ca trù từ ông bà ngoại là nghệ nhân Nguyễn Văn Hân và Phạm Thị Điền. Khi nghe ông đàn cho bà hát, em thấy kiểu nghệ thuật này lạ và hấp dẫn quá nên "bám" theo để học. Là kép đàn nhỏ tuổi nhất trong câu lạc bộ song thi thoảng Đức Huy vẫn học hát, dù em tự nhận giọng mình chỉ bình thường thôi.
Sau thời gian ngắn rèn luyện, Huy chơi đàn và ca bài Đất nước thái bình trong lần biểu diễn văn nghệ tại trường khiến bạn bè và thầy cô ngạc nhiên. Biểu diễn xong, mọi người đều động viên Huy cố gắng theo đuổi môn này. Đây cũng là lần đầu tiên, em "khoe tài" trước mọi người. Say này, mỗi lần có dịp biểu diễn, các cô chú trong câu lạc bộ đều kéo Huy đi cùng để em có cơ hội nâng cao tay đàn.
"Mới học nên em chỉ có thể chơi 6, 7 điệu của ca trù thôi, cũng chưa thể sánh được với các nghệ nhân. Em phải cố gắng nhiều hơn nữa vì nghệ thuật này rất phong phú", Huy tâm sự. Dù trước mắt, việc học vẫn là trên hết song chàng học sinh lớp 9 khẳng định, tương lai em sẽ theo nghề của ông bà ngoại.

Hà Lan (Theo báo Đất Việt)